Giá mà ai cũng có lương hưu

08/07/2022 03:12 AM


Tháng 6 ập đến bất ngờ như một cơn mưa mùa hạ. Tôi quên mất mùa gặt cũng bất ngờ như thế. Lúa đã trổ vàng khắp các nẻo. Ký ức trong tôi là những ngày vào mùa gặt. Ba tôi cùng với những người hàng xóm tất bật dưới cái nắng gắt của tháng 6 để mang lúa về từng xóm nhỏ. Thuở ấy, mỗi nhà mỗi người cùng chung tay gặt qua lại cho nhau, hỗ trợ nhau, tình làng nghĩa xóm càng thêm gắn chặt.

 

Năm tháng qua đi, những người trong cái xóm nhỏ gặt lúa giúp ba tôi ngày xưa, có người nay đã mồ xanh cỏ, có người tóc đã bạc trắng, có người lưng khom chẳng lao động được gì nữa. Ba tôi, hôm nay vẫn còn ra đồng chở lúa về nhà. Nhìn Ba, khom khom, nhặt nhặt từng bó lúa, lưng dẫm mồ hôi nhưng trên môi luôn nở nụ cười hiền hậu, tôi thật sự thấy mình hạnh phúc.

Những ngọn lúa chín vàng nặng trĩu khắp cánh đồng. Dưới cái nắng gắt mà tôi bước chân ra đường phải trùm hai, ba lớp áo, Ba tôi vẫn cởi trần phơi sân lúa còn thơm mùi rạ.

Ba tôi chẳng sức dài vai rộng như những người khác nên ba cũng như những người làm nông ở xóm tôi vậy, quanh năm chỉ quay quần với ruộng lúa. Ba và má sống nhờ vào thu nhập má tôi kiếm được những buổi chợ chiều. Ba giờ đã già, tóc ba cũng bắt đầu bạc. Thỉnh thoảng em gái tôi vẫn hay nhắn tin cho tôi rằng ba đau này ba đau thế nhưng chẳng chịu đi khám bao giờ. Căn bệnh gai cột sống vẫn hành hạ má mỗi khi trời thay đổi nhưng má không dám nghỉ buổi chợ nào cả. Má sợ lấy gì để lo cho ba. Má sợ nói với chị em tôi vì các con lo. Ba má lúc nào cũng không nói. Cái mà người già sợ nhất vẫn là phải để con cái lo cho mình.

Người nông dân thường sợ phải đến bệnh viện. Chẳng phải sợ điều gì, chỉ sợ phát hiện ra bệnh rồi con cái không cho làm này nọ. Bởi không làm, lấy gì mà ăn. Bởi không làm, phải nhờ con cái để sống. Bởi không làm, con cái lại thêm gánh nặng. Bên cạnh nỗi cô đơn, những người đã và đang bước vào độ tuổi xế chiều phải đối mặt với nỗi lo phải phụ thuộc con cháu khi sức khỏe đã dần suy yếu. 

Ngày trước gia đình ông bà nội tôi rất khá giả. Ba tôi được ông bà nội cho đi học đến nơi đến chốn chớ không dang dở như bao người khác. Ba tôi học xong phổ thông thì học thêm lớp kế toán rồi làm việc cho công ty thương nghiệp thời bấy giờ. Nhưng thời bao cấp, đồng lương ít ỏi trong công ty cộng thêm gánh nặng cơm áo gạo tiền nuôi mấy đứa con ăn học, ba quyết định xin nghỉ công ty thương nghiệp rồi chuyển hướng buôn bán nhỏ lẻ. Có lẽ đó là nỗi hối tiếc lớn nhất trong cuộc đời ba nên ba thường hay nói với anh em tôi: “Kiếm công việc nào có đóng BHXH để sau về già còn có lương hưu”

Hàng xóm nhà tôi là bác Ba. Vợ chồng bác là hưu trí. Thỉnh thoảng tôi thấy facebook của 2 bác cập nhật những cuộc đi du lịch, những ngày nghỉ cuối tuần sum vầy bên con cháu. Tôi ước gì ba má tôi cũng được như thế. Thích ăn gì thì ăn, thích đi chơi đâu thì đi.

Đoạn đường tôi đi làm là hình ảnh những cụ già gần đất xa trời ngồi dưới mưa với rổ rau le que mấy cái. Tôi ghé lại vội vã dưới cơn mưa cũng chỉ mua được vài bó giúp vài cụ. Đi được vài bước lại có thêm vài cụ nữa. Các cụ nhìn bó rau trên tay tôi rồi đăm chiêu nhìn xa xăm. Không biết rằng cả buổi chợ chiều ấy các cụ có bán hết mấy bó rau ấy không? Mưu sinh ở độ tuổi còn sức lao động vốn dĩ đã vất vả lắm rồi, ấy vậy mà ở cái độ tuổi “Thất thập cổ lai hy”, các cụ còn phải mưu sinh.

Dẫu biết rằng tuổi già phải an nghỉ, con cháu phụng dưỡng nhưng đối với những người như ba mẹ tôi, như các cụ bán rau ven đường ấy, vì không có lương hưu, không có gì tích lũy vẫn phải bám trụ, gồng gánh những công việc quá sức để không phải trở thành gánh nặng cho con cháu.

Câu chuyện tôi kể ở trên là câu chuyện của những người già không có thu nhập ổn định, không có lương hưu và nó ngược lại hoàn toàn với những người có khoản tài chính dự trữ cho tuổi già hoặc những người có lương hưu.

Giá mà trước đây, ba mẹ tôi hay những cụ già ấy, khi còn sức khỏe tạo ra thu nhập nghĩ đến việc đầu tư tài chính vào đóng BHXH để tuổi già được lương thì có lẽ giờ đây không phải tủi thân vì là một gánh nặng cho con cháu. Lương hưu là giá đỡ “an sinh” cho tuổi già. “Với mức lương hưu hằng tháng, không phải phụ thuộc vào con cháu hay trở thành gánh nặng cho gia đình. Vui hơn nữa là có thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng 95%, nên sau này nếu ốm đau sẽ được BHYT thanh toán chi phí KCB. Cuộc sống lỡ gặp lúc thu nhập không ổn định thì còn có chỗ dựa vào, nhất là trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay.

Mong rằng, ngày càng nhiều người hiểu được lợi ích của việc đóng bảo hiểm xã hội để có một tuổi già thảnh thơi, an nhàn như Bác Ba – Hàng xóm nhà tôi vậy! Để không còn những hoàn cảnh những người lao động tự do khi về già phải nương nhờ con cháu, hay sống chật vật, lay lắt với đời…

Nguyễn Vân