Chia sẻ những giá trị nhân văn

28/03/2024 02:22 PM


Thời gian qua, BHXH các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp truyền thông sáng tạo, sẻ chia những giá trị nhân văn, góp phần cùng toàn Ngành hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

 

BHXH tỉnh Quảng Nam tổ chức hô hát Bài chòi tuyên truyền BHXH tự nguyện

Những sáng kiến vì người dân

Trong năm 2023, mô hình "Tổ dân phố điển hình về phát triển BHXH tự nguyện" của BCĐ Thực hiện chính sách BHYT, BHYT quận Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) được UBND quận khen thưởng là mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu năm 2023. Theo ông Lê Lành- Giám đốc BHXH huyện Thanh Khê, sự phối kết hợp giữa truyền thông và lực lượng cán bộ tại cơ sở sẽ tạo bước chuyển biến tích cực, bởi họ luôn gần dân, hiểu dân và vận động người dân tham gia. Cụ thể, trong số 44 hội nghị khách hàng do BHXH quận tổ chức, có 33 hội nghị được tổ chức lồng ghép với ra mắt mô hình “Tổ dân phố điển hình phát triển BHXH tự nguyện”, thu hút được 291 người tham gia BHXH tự nguyện và 233 người tham gia BHYT hộ gia đình. Bên cạnh đó, BHXH quận cũng triển khai nhiều hoạt động truyền thông đa dạng như phối hợp với LĐLĐ quận tổ chức Hội thi “Rung chuông vàng" trong CNVC, lao động nhân Tháng Công nhân, thu hút 262 thí sinh thuộc 67 CĐCS trên địa bàn quận tham dự; phối hợp với Hội Nông dân quận tổ chức “Hội thi tuyên truyền viên giỏi" cho Hội Nông dân quận nhằm tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT cho các hội viên...

Là đơn vị tiêu biểu trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT của BHXH TP. Đà Nẵng, trong năm 2023, quận Thanh Khê là đơn vị đầu tiên của Đà Nẵng “về đích” chỉ tiêu người tham gia BHXH tự nguyện ngay từ đầu tháng 11, với 4.237 người tham gia, đạt 109,23% kế hoạch BHXH Thành phố giao...

Tại Quảng Trị, mô hình “Gian hàng An sinh xã hội” của BHXH huyện Triệu Phong cũng được đánh giá là bước đổi mới trong công tác truyền thông, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Chia sẻ về ý tưởng truyền thông độc đáo này, ông Nguyễn Ngọc Cường- Giám đốc BHXH huyện Triệu Phong cho biết: Mục tiêu của mô hình “Gian hàng An sinh xã hội” là nhằm tiếp cận gần nhất với bà con để lan tỏa giá trị nhân văn của chính sách. Tại các “Gian hàng An sinh xã hội”, người dân đã được các viên chức BHXH huyện tư vấn, giải thích về các quy định liên quan chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; thông tin về lợi ích của lương hưu và thẻ BHYT khi người dân hết tuổi lao động; hỗ trợ cấp và đổi lại thẻ BHYT do hỏng hoặc mất; hướng dẫn đăng ký đóng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; hướng dẫn đăng ký cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID...

Ông Cường lý giải: Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã xuất hiện tình trạng mạo danh cơ quan, nhân viên BHXH trên không gian mạng nhằm lừa đảo người có nhu cầu tham gia BHXH, BHYT, gây hoang mang trong dư luận. Bên cạnh đó, địa bàn huyện Triệu Phong rộng, người dân ở xa nên mất nhiều thời gian đến BHXH huyện để được tư vấn, giải đáp về các chính sách liên quan đến BHXH, BHYT... Các "Gian hàng an sinh" chính là hình thức thông tin lưu động, chính thống và dễ hiểu nhất cho bà con. Hệ thống loa truyền thanh của UBND xã cũng thông tin về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và thời gian tổ chức “Gian hàng An sinh xã hội" đến tận thôn, bản trước và trong thời gian tổ chức để mọi người biết và đến tham dự.

Chia sẻ điều tâm đắc của mình với mô hình này, anh Lê Văn Chí- cán bộ văn hóa xã Triệu An nhận xét: “Mô hình "Gian hàng an sinh xã hội” do BHXH huyện triển khai rất thiết thực, nhất là đối với những trường hợp thuộc diện hộ nghèo, neo đơn, đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, giúp nhiều người dân nắm bắt được kịp thời, đầy đủ thông tin về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để đăng ký tham gia. Việc cấp đổi lại và gia hạn thẻ BHYT cũng được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, tạo sự hài lòng trong nhân dân...".

Nhân rộng các mô hình truyền thông sáng tạo

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, trong thời gian qua, hầu hết BHXH các tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng các kịch bản truyền thông chi tiết, phù hợp với đặc thủ từng nhóm chủ thể để triển khai hiệu quả công tác truyền thông gắn với phát triển người tham gia. Nhiều mô hình hay, giải pháp hiệu quả, sáng tạo đã được BHXH các tỉnh triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu đối mới nội dung, hình thức truyền thông theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều địa phương đã dựng các mô hình truyền thông, phát triển người tham gia được người dân hưởng ứng tích cực như mô hình “Xã điểm về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình" tại UBND 30 quận, huyện của TP.Hà Nội; "Đại biểu HĐND vận động nhân dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện" tại tỉnh Hậu Giang; “Tiết kiệm nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện" tại tỉnh Bến Tre; "Nuôi heo đất tích lũy tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình" tại tỉnh Sóc Trăng...

Một hình thức tuyên truyền khác cũng mang lại hiệu quả cao là tổ chức các hội thi, sân khấu hóa sản phẩm truyền thông như hội thi Truyền thông viên chính sách BHXH, BHYT với chủ đề "Nhận thức đúng, hiểu biết sâu, kỹ năng tốt, truyền thông giỏi về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình"; cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu chính sách BHXH, BHYT trên trang Myaloha.vn tại An Giang; tuyên truyền BHXH tự nguyện thông qua nghệ thuật dân gian hô hát "Bài Chòi" tại Quảng Nam... Đặc biệt, BHXH 10 tỉnh (Yên Bái, Gia Lai, Đăk Lăk, Sóc Trăng...) đã biên tập, sản xuất khoảng 55 sản phẩm truyền thông, dịch ra 10 thứ tiếng (Êđê, Mông, Thái, Dao, Bah Nar, Tày, Khmer, Dẻ Chiêng, Jrai, Mnông) để tuyên truyền tại vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, BHXH 24 tỉnh đã phát huy vai trò của hơn 12.100 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc truyền thông, vận động đồng bào tham gia BHXH; mời người biết tiếng dân tộc phiên dịch tại các hội nghị cho đồng bào; khoảng 650 cán bộ BHXH biết tiếng dân tộc, tham gia tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT...

BHXH tỉnh Quảng Nam tổ chức dán áp-phích tuyên truyền trên phương tiện vận tải công cộng 

Nhằm phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, BHXH các tỉnh còn tổ chức tuyên truyền trực quan, lưu động, ra quân dán áp-phích trên phương tiện vận tải công cộng (Quảng Nam); sử dụng xe ô tô chuyên dùng phục vụ công tác tuyên truyền phát thanh lưu động (Quảng Nam, Bình Thuận)...

Theo BHXH Việt Nam, toàn Ngành luôn xác định công tác truyền thông có vai trò rất quan trọng, là cầu nối, là phương tiện hiệu quả để truyền tải các thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đến với người dân. Do đó, công tác truyền thông được ưu tiên triển khai đồng bộ “từ sớm, từ xa" và có nhiều đổi mới theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp... Đây sẽ tiếp tục là định hướng mà BHXH các địa phương thực hiện trong năm 2024 và các năm tới.

Ngọc Thảo (theo Tạp chí BHXH)