Vài suy nghĩ về việc luân chuyển, điều động viên chức thuộc BHXH tỉnh Quảng Nam hiện nay
19/07/2021 08:55 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trần Thị Minh Vũ
Chuyên viên Phòng Tổ chức cán bộ - BHXH tỉnh
Luân chuyển là việc cấp có thẩm quyền bổ nhiệm công chức lãnh đạo, viên chức quản lý giữ một chức vụ lãnh đạo mới trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch và đào tạo bồi dưỡng viên chức. Điều động là việc phân công, bố trí, chuyển đổi vị trí công tác có thời hạn hoặc không xác định thời hạn đối với viên chức theo quy định, theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng viên chức trong cơ quan hoặc theo yêu cầu công tác của cơ quan.
Luân chuyển, điều động viên chức là thực sự cần thiết trong công tác tổ chức cán bộ nhằm giải quyết yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài, có tính chiến lược về công tác cán bộ; tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả xây dựng, bố trí, sử dụng nguồn lực cán bộ của BHXH tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của Ngành.
Đ/c Nguyễn Thanh Danh, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam trao Quyết định luân chuyển và bổ nhiệm viên chức quản lý tại BHXH thị xã Điện Bàn
Để đảm bảo sự thống nhất trong luân chuyển, điều động cán bộ, ngày 07/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ. Đây là quan điểm chỉ đạo cơ bản, quan trọng để các tổ chức cơ sở Đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác luân chuyển, điều động cán bộ. Quy định này đã đặt ra mục đích, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc của luân chuyển cán bộ, đồng thời cũng đã quy định cụ thể đối tượng, chức danh, tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền luân chuyển...
Để hiện thực hóa cơ sở chính trị về công tác luân chuyển, điều động viên chức, Ban Cán sự Đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 120-HD/BCSĐ, ngày 30/8/2017 về hướng dẫn thực hiện quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2026 và việc rà soát bổ sung quy hoạch hằng năm; Nghị quyết số 182-NQ/BCS, ngày 10/3/2020 về một số vấn đề về công tác cán bộ, lãnh đạo quản lý; Quyết định số 438/QĐ-BHXH, ngày 18/4/2019 ban hành Quy định về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, đình chỉ chức vụ và công tác công chức lãnh đạo, viên chức quản lý và kế toán trưởng tại các đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt Nam; Công văn số 1575/BHXH-TCCB, ngày 20/5/2020 về việc chấn chỉnh một số tồn tại trong công tác tổ chức, cán bộ. Theo đó, BHXH Việt Nam đã xác định luân chuyển, điều động viên chức là nội dung có ý nghĩa quan trọng trong công tác cán bộ và là căn cứ để xem xét điều động, bổ nhiệm viên chức trong thời gian tới.
Đối với BHXH tỉnh Quảng Nam, hiện nay có tổ chức bộ máy gồm 10 phòng nghiệp vụ và 17 BHXH huyện, thị xã, thành phố trực thuộc với 310 công chức, viên chức, lao động hợp đồng. Trong đó, công chức, viên chức là 241 người, hợp đồng lao động 69 người. Về trình độ chuyên môn: Thạc sĩ 60 người, Đại học 205 người, Cao đẳng 15 người, Trung cấp 07 người và 23 người có trình độ khác. Về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp 33 người, Trung cấp 53 người. Các chức danh lãnh đạo, quản lý gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc BHXH tỉnh 03 người, Trưởng các Phòng nghiệp vụ và tương đương 07 người, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ và tương đương 20 người, Giám đốc BHXH cấp huyện 17 người, Phó Giám đốc BHXH cấp huyện 25 người, có 14 Tổ trưởng và 03 Phó Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ tại BHXH cấp huyện.
Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "1 cửa" BHXH thành phố Hội An
Trong thời gian qua, BHXH tỉnh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho công chức, viên chức và người lao động, kịp thời kiện toàn đội ngũ viên chức quản lý ở các đơn vị trực thuộc, thường xuyên rà soát, đánh giá, lựa chọn và luân chuyển, điều động viên chức, góp phần đào tạo nguồn viên chức chất lượng cao, có năng lực. Mặc dù hiện nay công tác luân chuyển, điều động viên chức đã đạt được những kết quả nhất định nhưng cũng còn một số tồn tại, hạn chế dẫn đến kết quả thực hiện chủ trương này đạt hiệu quả chưa cao. Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chỉ đạo về công tác luân chuyển, điều động viên chức chưa được tiến hành đồng bộ; chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động viên chức chưa thực hiện cụ thể; việc tổ chức gặp gỡ, trao đổi với viên chức luân chuyển, điều động để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển, điều động, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và xác định nhiệm vụ đối với viên chức dự kiến luân chuyển, điều động còn hạn chế; chưa có chính sách hỗ trợ cho viên chức luân chuyển, điều động, do đó chưa tạo động lực cho viên chức luân chuyển, điều động yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Quảng Nam là một tỉnh có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, chênh lệch về điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện phát triển giữa các huyện đồng bằng với các huyện miền núi, trung du còn lớn, nên một bộ phận viên chức ngại khó, ngại khổ, không muốn xáo trộn cuộc sống của mình và gia đình, chưa đồng thuận cao với chủ trương luân chuyển, điều động viên chức.
Trước yêu cầu nhiệm vụ của Ngành, đòi hỏi không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, người lao động của các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh. Một bộ phận viên chức trẻ được đào tạo bài bản, có năng lực, phẩm chất tốt cần phải kinh qua công tác thực tiễn tại địa phương để được rèn luyện và trưởng thành. Chính vì vậy để tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh thực hiện luân chuyển, điều động viên chức giữa các đơn vị trực thuộc trong thời gian tới, chúng ta cần quan tâm đến những nội dung sau:
Một là, về mục tiêu cần đạt được: Giúp BHXH tỉnh xây dựng và sử dụng tốt viên chức quản lý. Qua xem xét kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao mà đơn vị có thể đánh giá, lựa chọn, đề bạt bổ nhiệm viên chức quản lý một cách chính xác; giúp viên chức quản lý được đào tạo và trưởng thành, bổ sung những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý; đồng thời nhằm tạo điều kiện cho viên chức quản lý khi hết nhiệm kỳ được điều động đến một vị trí công tác mới phù hợp với năng lực và sở trường; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để viên chức trẻ, có năng lực phát triển, tạo nguồn viên chức có chiều sâu, chiến lược.
Hai là, về nguyên tắc luân chuyển, điều động viên chức: Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công bằng, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác luân chuyển, điều động; nguyên tắc khách quan, khoa học “có đi - có về” giữa các đơn vị trong hệ thống BHXH tỉnh và phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, chỉ tiêu biên chế, vị trí việc làm; căn cứ vào phẩm chất, đạo đức và năng lực, sở trường của mỗi viên chức; đặc biệt phải đảm bảo sự linh động, hài hòa giữa yêu cầu nhiệm vụ công việc với điều kiện của mỗi viên chức, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của viên chức và gia đình họ.
Ba là, về chủ trương, nội dung kế hoạch luân chuyển, điều động viên chức: Cần xây dựng kế hoạch thực hiện luân chuyển, điều động trong từng năm và cho từng giai đoạn, trong đó phải thể hiện những nội dung sau:
Phương án luân chuyển, điều động viên chức: từ BHXH tỉnh về BHXH huyện và ngược lại; giữa các phòng nghiệp vụ thuộc BHXH tỉnh; giữa BHXH các huyện với nhau, ưu tiên xem xét luân chuyển, điều động theo 3 cụm. Cụm 1 có 06 BHXH các huyện: Thăng Bình, Quế Sơn, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nông Sơn, Duy Xuyên; BHXH các huyện, thị xã, thành phố: Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang thuộc cụm 2 và Cụm 3 là 05 BHXH các huyện còn lại gồm Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My.
Khuyến khích viên chức trẻ, có năng lực, trong diện quy hoạch có nguyện vọng về nhận công tác tại các huyện miền núi, các huyện hiện đang thiếu viên chức quản lý. Trường hợp khi các Phòng nghiệp vụ và BHXH các huyện, thị xã, thành phố có nhu cầu bổ nhiệm viên chức quản lý thì nhóm đối tượng luân chuyển theo nguyện vọng được ưu tiên để xem xét bổ nhiệm nếu đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện quy định.
Viên chức hiện đang giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Giám đốc, Phó Giám đốc BHXH cấp huyện và tương đương, xét về thời gian đã đảm nhiệm chức vụ tròn 02 nhiệm kỳ thì buộc phải luân chuyển, điều động đến nhận nhiệm vụ tại đơn vị khác nếu đảm bảo năng lực để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Viên chức trong diện quy hoạch Trưởng phòng có tuổi đời không quá 45 xét tại thời điểm xây dựng kế hoạch luân chuyển của BHXH tỉnh và chưa trải qua công tác quản lý tại BHXH cấp huyện ít nhất 03 năm.
Khi tiến hành bổ nhiệm viên chức quản lý ở các đơn vị trực thuộc, những viên chức thuộc diện luân chuyển nhưng chưa hoàn thành việc luân chuyển theo quy định mà không có lý do chính đáng thì không xem xét bổ nhiệm.
Tóm lại, việc luân chuyển, điều động viên chức sẽ tạo nên những động lực mới, công việc mới, cách tư duy mới, môi trường và điều kiện mới... cho mỗi viên chức; đặc biệt, khắc phục tình trạng trì trệ, từng bước điều chỉnh và bố trí viên chức hợp lý hơn, tăng cường được viên chức cho những nơi có nhu cầu cấp bách, nhất là cơ sở và những địa bàn khó khăn. Thông qua việc luân chuyển, điều động viên chức sẽ tạo nên môi trường để viên chức thể hiện tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn của bản thân và gia đình, tự giác nhận nhiệm vụ, tạo ra động lực và nguồn sáng tạo mới trong đội ngũ viên chức./.
Chi trả lương hưu và trợ cấp tại nhà: Tiện lợi, ...
Đại lý thu là nòng cốt phát triển BHXH tự nguyện
Chuyên mục BHXH trên kênh QRT [6-8-2024]