Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu thuốc tại tỉnh Quảng Nam hiện nay
09/08/2021 01:48 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phan Thùy Mỹ
Chuyên viên phòng Giám định BHYT
Tính cần thiết của việc tham gia đấu thầu thuốc.
Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nói chung và cung cấp đầy đủ thuốc có chất lượng, hiệu quả, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT trong chi trả tiền thuốc thì hoạt động cung ứng, sử dụng và thanh toán thuốc phải được thực hiện chặt chẽ theo đúng các quy định về đấu thầu thuốc của Bộ Y tế từ khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu (LCNT) đến kết quả LCNT là hết sức cần thiết. Công tác đấu thầu cung ứng thuốc hiện nay được thực hiện theo Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế Quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh tham gia thành viên trong Hội đồng đấu thầu thuốc; theo đó, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam đã thành lập Tổ tham gia đấu thầu thuốc và cử viên chức đủ điều kiện theo quy định tham gia đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương tại Hội đồng đấu thầu thuốc của Sở Y tế (Hội đồng đấu thầu).
Ảnh minh họa
Tầm quan trọng của việc tham gia đấu thầu thuốc.
Thời gian qua, cơ quan BHXH tỉnh đã tích cực tham gia hầu hết các giai đoạn đấu thầu thuốc tại Hội đồng đấu thầu. Trong đó, tham gia xây dựng và thẩm định kế hoạch LCNT trước khi Hội đồng đấu thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Danh mục thuốc là hoạt động có ý nghĩa cơ bản và là cơ sở để đạt được mục tiêu thuốc trúng thầu có chất lượng, hiệu quả trong điều trị, số lượng và giá thuốc trúng thầu hợp lý. Do vậy, vấn đề quan trọng được đặt ra là nâng cao vai trò, trách nhiệm của công tác xây dựng và thẩm định kế hoạch LCNT thuốc trong việc giám sát các gói thầu, kiểm soát số lượng, giá kế hoạch… giúp cho việc tổ chức LCNT thuốc tại tỉnh được chặt chẽ, đúng quy định; việc cung ứng, mua sắm thuốc tại các cơ sở KCB BHYT được đơn giản hóa, rõ ràng, công khai, minh bạch, đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu. Từ đó, lựa chọn được thuốc có chất lượng, đáp ứng nhu cầu điều trị, đem lại hiệu quả rõ ràng và tích cực trong việc kiểm soát giá thuốc, phân bổ số lượng vào các nhóm thuốc hợp lý, hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm được nhiều tỷ đồng, hướng tới mục tiêu LCNT đủ năng lực cung ứng thuốc chất lượng với mức giá hợp lý.
Thực trạng và hiệu quả việc tham gia đấu thầu thuốc trong những năm qua.
Thực tiễn công tác tham gia xây dựng và thẩm định kế hoạch LCNT trong đấu thầu thuốc tại tỉnh Quảng Nam những năm qua đã đánh giá được hiệu quả đấu thầu thuốc là lựa chọn và sử dụng thuốc có giá hợp lý, số lượng và giá hợp lý giữa các nhóm tiêu chí kỹ thuật (TCKT), đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong điều trị; hạn chế được tình trạng sử dụng thuốc có hàm lượng không phổ biến, dạng bào chế, dạng phối hợp ít có cạnh tranh trong đấu thầu và có chi phí cao (thuốc ít cạnh tranh) khi đã có các thuốc cùng hoạt chất với hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp bảo đảm cạnh tranh trên thị trường (thuốc cạnh tranh). Giảm giá thuốc giúp người bệnh đỡ gánh nặng cùng chi trả tiền thuốc và tiết kiệm chi tiêu cho chi phí KCB BHYT. Đồng thời, kết quả thẩm định kế hoạch LCNT hiên tại đã tác động và định hướng thực hiện tốt cho công tác LCNT cung ứng và sử dụng thuốc BHYT cho những năm tiếp theo. Theo đó, các cơ sở KCB BHYT đã giảm sử dụng thuốc ít cạnh tranh, do vậy thuốc ít cạnh tranh qua các năm giảm dần, cụ thể:
Năm 2018 thuốc ít cạnh tranh của Quảng Nam xếp vị trí thứ 6/63 (là một trong những tỉnh nằm top đầu sử dụng thuốc ít cạnh tranh chi phí cao), năm 2019 giảm xuống vị trí thứ 29/65, năm 2020 vị trí thứ 58/64, quý 1/2021 vị trí thứ 62/63, quý 2/2021 không còn thuốc ít cạnh tranh trên Hệ thống Giám sát của BHXH Việt Nam.
Tỷ lệ sử dụng thuốc giữa các nhóm TCKT hợp lý qua các năm từ 2018 đến 2020 (số lượng thuốc nhóm 1 từ 13-17%, nhóm 2 từ 13-15%, nhóm 3 từ 52-54%, nhóm 4 từ 15-18%, nhóm 5 từ 1-1.4%), theo đó ưu tiên dùng hàng Việt Nam chất lượng cao.
Tỷ lệ sử dụng thuốc/tổng chi phí KCB BHYT của Quảng Nam qua các năm đều thấp so với toàn quốc: Năm 2018 là 29% (Toàn quốc là 35.9%), năm 2019 là 27.9% (Toàn quốc là 34.7%), năm 2020 là 27% (Toàn quốc là 34.6%); 6 tháng đầu năm 2021 là 25.7% (Toàn quốc là 34.7%).
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc Vitamin - khoáng chất, Chế phẩm y học cổ truyền (YHCT) còn chiếm tỷ lệ cao so với toàn quốc như năm 2020 chi phí thuốc Vitamin - khoáng chất chiếm tỷ lệ 4% tổng chi phí thuốc (Toàn quốc 1.6%), Chế phẩm YHCT 9.1% tổng chi phí thuốc (Toàn quốc 6.1%). Trong 10 nhóm thuốc có chi phí cao nhất thì thuốc YHCT vị thứ 2, Vitamin - khoáng chất vị thứ 8. Thuốc cần thiết trong điều trị chiếm 61.55% tổng chi phí thuốc (Toàn quốc là 70.52%), thuốc hỗ trợ điều trị chiếm 14.74% tổng chi phí thuốc (Toàn quốc là 3.31%). Kế hoạch LCNT thầu thuốc 6 tháng cuối năm 2021 và năm 2022 vẫn còn có những mặt hàng thuốc ít cạnh tranh.
Bên cạnh đó, sau đấu thầu vấn đề quan trọng là giám sát giá thuốc, chất lượng thuốc và điều phối nhu cầu sử dụng thuốc giữa các cơ sở KCB. Thực tế, sẽ có trường hợp xây dựng kế hoạch số lượng thuốc ít nhưng sử dụng nhiều do đột biến về tình hình bệnh tật hoặc xây dựng kế hoạch số lượng thuốc nhiều nhưng sử dụng ít. Do đó, cần có sự theo dõi, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị sử dụng thuốc, đơn vị đấu thầu và nhà thầu để không xảy ra tình trạng thiếu thuốc sử dụng cho người bệnh hoặc cung ứng, sử dụng thuốc không đảm bảo tối thiểu 80% kế hoạch đã xây dựng. Mục tiêu hướng tới không chỉ là thuốc giá rẻ mà điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng thuốc để người bệnh dùng thuốc với giá hợp lý, bảo đảm chất lượng và sớm khỏi bệnh.
Một số kiến nghị, đề xuất.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời hạn chế những vướng mắc, tồn tại nêu trên, theo tôi cần có những giải pháp sau:
Thứ nhất: Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh chủ động, thường xuyên tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh chỉ đạo Hội đồng đấu thầu và BHXH tỉnh phối hợp tham gia đấu thầu thuốc từ xây dựng kế hoạch đến LCNT theo đúng quy định nhằm đảm bảo cung ứng đủ thuốc sử dụng cho người bệnh, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc hoặc số lượng thuốc vượt quá nhu cầu thực tế, kết quả LCNT có giá thuốc hợp lý, đảm bảo nhu cầu điều trị và quyền lợi của người tham gia BHYT.
Thứ hai: Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc hằng năm theo tinh thần tôn trọng và hợp tác. Để đảm bảo quan hệ phối hợp ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả cần xây dựng quy chế phối hợp giữa hai đơn vị, trong đó xác định rõ quyền và nghĩa vụ giữa các bên, hình thức, phương pháp phối hợp. Trước mắt cần kiến nghị Sở Y tế chỉ đạo Hội đồng đấu thầu hướng dẫn các cơ sở KCB BHYT xây dựng kế hoạch LCNT thuốc một cách chặt chẽ, đảm bảo cân đối và hợp lý giữa kế hoạch xây dựng và thực tế sử dụng thuốc tại cơ sở KCB, từ đó giảm tải cho khâu thẩm định kế hoạch LCNT, hạn chế tình trạng cung ứng và sử dụng thuốc trúng thầu với tỷ lệ thấp.
Thứ 3: Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Hội đồng đấu thầu để thực hiện tốt công tác xây dựng và thẩm định kế hoạch LCNT cung ứng thuốc. Theo đó, cung cấp kết quả trúng thầu thuốc có giá trung bình của BHXH Việt Nam công bố, dữ liệu chi phí sử dụng thuốc (năm trước liền kề) của các cơ sở KCB BHYT tham gia đấu thầu, các văn bản hướng dẫn và dữ liệu cảnh báo liên quan… để Hội đồng đấu thầu tham khảo làm căn cứ xây dựng kế hoạch LCNT thuốc hợp lý. Cần bổ sung kiện toàn Tổ tham gia đấu thầu thuốc của BHXH nhằm đáp ứng yêu cầu về đấu thầu thuốc tại tỉnh, ưu tiên những cán bộ trẻ có chuyên môn, có phong cách làm việc khoa học, khách quan. Trang bị phần mềm và ứng dụng CNTT trong đấu thầu để xử lý công việc nhanh, hiệu quả. Tăng cường theo dõi, giám định, cảnh báo việc sử dụng thuốc BHYT tại các cơ sở KCB chưa hợp lý theo quy định.
Thứ tư: Đối với cơ sở KCB BHYT, đề nghị tập trung và nâng cao trách nhiệm trong việc lập kế hoạch sử dụng thuốc tại đơn vị, lựa chọn sử dụng thuốc hợp lý theo nhu cầu điều trị, chất lượng, hiệu quả, an toàn, kinh tế, đảm bảo quyền lợi của người bệnh và khả năng chi trả của nguồn kinh phí KCB BHYT.
Tóm lại, giai đoạn xây dựng và thẩm định kế hoạch LCNT trong đấu thầu thuốc được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định thì kết quả LCNT thuốc hợp lý, lựa chọn được thuốc có chất lượng, hiệu quả, giá phù hợp, đáp ứng nhu cầu điều trị, đảm bảo đủ thuốc sử dụng cho người bệnh BHYT. Hội đồng đấu thầu không phải mất nhiều thời gian, nhiều lần tổ chức đấu thầu bổ sung, nhiều lần điều chuyển số lượng thuốc… Đảm bảo được quyền lợi cho bệnh nhân KCB BHYT, thuận lợi trong việc sử dụng thuốc tại các cơ sở KCB BHYT, đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT được chính phủ giao./.
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo chuyên đề về công tác tham gia đấu thầu thuốc của BHXH tỉnh;
- Công văn số 4837/BYT-BH ngày 07/7/2015 của Bộ Y tế về việc thanh toán chi phí và quản lý sử dụng 23 thuốc theo Công văn số 894/BHXH-DVT;
- Phần mềm cảnh báo thuốc chênh lệch giá và hàm lượng/Hệ thống giám sát của BHXH Việt Nam;
- Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế Quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
Chi trả lương hưu và trợ cấp tại nhà: Tiện lợi, ...
Đại lý thu là nòng cốt phát triển BHXH tự nguyện
Chuyên mục BHXH trên kênh QRT [6-8-2024]