NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI: Vai trò của ngoại giao đa phương đối với lĩnh vực Bảo hiểm xã hội
18/05/2022 11:44 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngoại giao đa phương (NGĐP) đã xuất hiện rất lâu trong lịch sử hệ thống quan hệ quốc tế. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về NGĐP, song hiểu một cách chung nhất, NGĐP là một hình thức hoạt động ngoại giao, trong đó có sự tham gia của ba chủ thể quan hệ quốc tế trở lên vào quá trình đàm phán, thương lượng, ra quyết sách trong cùng một thời điểm và đáp ứng nhiều đòi hỏi khác nhau trong một vấn đề cụ thể, dựa trên lợi ích đồng thuận.
Nguyễn Đoan Cường
Trong hệ thống mới, dưới sự tác động của nhiều nhân tố như toàn cầu hóa, cạnh tranh chiến lược, cách mạng công nghệ,... NGĐP đã có những thay đổi nhất định, mang nhiều đặc điểm mới: Ngày càng đa dạng hóa mục tiêu, gia tăng ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế, có tính ràng buộc cao, tính độc lập cũng như sự lớn mạnh về thành viên tham gia và có mối quan hệ đặc biệt với ngoại giao song phương.
Các hình thức NGĐP hiện nay gồm: (1) Tổ chức quốc tế: Là tổ chức được thành lập trên cơ sở những thỏa thuận quốc tế giữa các quốc gia độc lập, có chủ quyền, các đảng phái, các tổ chức chính trị xã hội vì những mục tiêu và lợi ích chung (như: Liên Hợp quốc, EU, ASEAN...); (2) Diễn đàn quốc tế: Chẳng hạn như Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức thường niên có vai trò quan trọng như một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, để cùng nhau bàn thảo về những vấn đề then chốt toàn cầu và cùng nhau cam kết tăng cường hợp tác vì sự thịnh vượng chung; (3) Hội nghị quốc tế: Là hội nghị của các tổ chức, cá nhân hoặc đại diện chính thức của các quốc gia trên thế giới, với mục đích, chủ đề rất phong phú.
Đối với Việt Nam, thực tiễn hoạt động NGĐP cho thấy một tinh thần, thái độ chủ động, tích cực, trách nhiệm cũng như chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã mang lại kết quả rất tích cực trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, huy động nguồn lực cho sự phát triển của đất nước, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh quốc gia. Phạm vi bài viết trao đổi về vai trò của NGĐP đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH).
Thứ nhất, NGĐP góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Ngành BHXH Việt Nam trên trường quốc tế.
Như chúng ta đã biết, Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA) thành lập năm 1927, có trụ sở tại Thụy Sĩ, là diễn đàn đa phương về an sinh xã hội lớn nhất thế giới, với 338 tổ chức thành viên đến từ 157 quốc gia. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam gia nhập ISSA vào năm 2015, hiện là thành viên chính thức tại diễn đàn đa phương quan trọng này. Trước đó, BHXH Việt Nam đã là thành viên chính thức của Hiệp hội An sinh xã hội Đông Nam Á (ASSA) từ tháng 9-1998. Đây là diễn đàn đa phương khu vực với 20 tổ chức thành viên thuộc các quốc gia ASEAN nhằm mục tiêu thúc đẩy hợp tác, phát triển an sinh xã hội trong khu vực phù hợp với nguyện vọng, luật pháp và quy định của các nước thành viên.
Là thành viên chính thức và duy nhất của Việt Nam tại hai tổ chức đa phương về an sinh xã hội, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia và có những đóng góp quan trọng vào các hoạt động của ISSA cũng như tham gia triển khai các hoạt động hợp tác giữa các tổ chức thành viên trong ASSA.
Tháng 9-2018, tại Hội nghị ASSA 35 diễn ra tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), các thành viên ASSA đã nhất trí bầu BHXH Việt Nam làm Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2018-2019. Trên cương vị mới này, BHXH Việt Nam đã chủ động đề xuất thông qua Kế hoạch hành động ASSA. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập năm 1998, ASSA thống nhất xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cụ thể nhằm đưa hoạt động hợp tác của ASSA đi vào chiều sâu và thực chất, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của các tổ chức thành viên. Sự kiện này tạo bước chuyển căn bản và mạnh mẽ cho BHXH Việt Nam trong hội nhập đa phương khu vực theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về tư duy đối ngoại mới, chuyển từ “tham gia tích cực” sang “chủ động hội nhập, đề xuất sáng kiến hợp tác”.
BHXH Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASSA 2018-2019 cũng đã làm cầu nối giữa ASSA và ISSA giúp hai tổ chức này tăng cường sự gắn kết và hợp tác lẫn nhau để hướng tới một hệ thống an sinh xã hội thế giới hiện đại, toàn diện bền vững, tin cậy, minh bạch và hiệu quả.
Cuối tháng 9-2019, Hội nghị ASSA 36 đã được BHXH Việt Nam phối hợp cùng Quỹ tín thác cho người lao động Brunei - ETF tổ chức thành công tại Brunei. Đây cũng là hoạt động kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch ASSA 2018-2019 với nhiều dấu ấn quan trọng của BHXH Việt Nam.
Mới đây nhất, ngày 22-02-2022, BHXH Việt Nam đã tham dự Diễn đàn An sinh xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 theo hình thức trực tuyến. Tại đây, đại diện BHXH Việt Nam đã trình bày và chia sẻ tại hai phiên làm việc song song về nội dung: Xây dựng và phát triển hệ thống bảo hiểm thất nghiệp; mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế và nâng cao chất lượng hệ thống y tế. Đồng thời, tham gia thảo luận về nội dung "Đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội: Tầm nhìn và chiến lược chính trị". Đây là diễn đàn đa phương quan trọng nhất của ISSA, được tổ chức 3 năm/lần, với sự tham dự của nhiều cơ quan an sinh xã hội từ khắp nơi trên thế giới.
Không chỉ là thành viên chủ động và tích cực tham gia đóng góp cho hoạt động của ISSA và ASSA, BHXH Việt Nam còn vinh dự nhiều lần nhận được các giải thưởng quan trọng của các tổ chức này, như: Giải thưởng về cải cách thủ tục hành chính với Dự án “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao phục vụ người dân và doanh nghiệp”; giải thưởng cho hạng mục “Tiếp tục cải tiến” với nội dung “BHXH Việt Nam phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện”; giải thưởng Thành tựu đặc biệt dành cho đề cử về “VssID - BHXH số của BHXH Việt Nam”; giải thưởng dành cho đề cử về “Mở rộng tỷ lệ bao phủ BHXH, bảo hiểm y tế ở Việt Nam”. Kết quả này là sự ghi nhận từ những cố gắng, nỗ lực của BHXH Việt Nam trong những năm vừa qua, góp phần hoàn thiện và nâng cao hệ thống BHXH, hướng tới bảo đảm quyền lợi về BHXH của mọi người dân Việt Nam.
Có thể thấy, từ những đóng góp tích cực và thành tích đạt được khi tham gia vào các tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, BHXH Việt Nam đã khẳng định được năng lực, từng bước thể hiện vai trò, vị thế, uy tín với nhiều dấu ấn đậm nét, được các nước, các tổ chức thành viên của ISSA và ASSA coi trọng, đánh giá cao. Điều này thể hiện cộng đồng quốc tế ngày càng tin tưởng vào vai trò cũng như năng lực NGĐP của Ngành BHXH Việt Nam, góp phần quan trọng khẳng định vị thế của đất nước nói chung, của Ngành BHXH Việt Nam nói riêng trong thời kỳ mới.
Thứ hai, NGĐP góp phần huy động nguồn lực cho sự phát triển của Ngành BHXH Việt Nam.
Nguồn lực ở đây có thể hiểu là những kiến thức, kinh nghiệm quản lý, quản trị hệ thống BHXH đối với Việt Nam. Khi là thành viên chính thức của các tổ chức quốc tế như ISSA, ASSA thì mọi hoạt động đều hướng đến những mục tiêu nhất định. Mục tiêu chiến lược của ISSA là thúc đẩy an sinh xã hội năng động trong một thế giới toàn cầu hóa, thông qua việc hỗ trợ tích cực cho các tổ chức thành viên trên toàn thế giới. Mục tiêu của ASSA là thúc đẩy hợp tác, phát triển trong khu vực phù hợp với nguyện vọng, luật pháp của các nước thành viên; cùng nhau trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn thực hiện chính sách an sinh xã hội giữa các quốc gia, góp phần tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN.
Trên thực tế, BHXH Việt Nam đã tổ chức thành công hội thảo quốc tế tại Việt Nam với chủ đề “Quản trị tốt nhằm cung cấp dịch vụ an sinh xã hội tốt hơn”. Với hơn 100 diễn giả trong nước và quốc tế trong lĩnh vực quản trị hệ thống an sinh xã hội đến từ ISSA, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng thế giới (WB), các tổ chức thành viên ASSA và khu vực châu Á, đã chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm quản trị hệ thống an sinh xã hội hiện đại theo hướng dẫn của ISSA với những cách tiếp cận mới và phương thức quản trị phù hợp, thích ứng trong bối cảnh và điều kiện của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây chính là cơ hội để các tổ chức thành viên ASSA tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm nội khối, đồng thời cũng làm cầu nối mở rộng hợp tác giữa ASSA và các đối tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để hoàn thiện và phát triển hệ thống an sinh xã hội trong khu vực và Việt Nam.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19 và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, công nghệ thông tin và tương tác trên nền tảng số trong lĩnh vực an sinh xã hội là chìa khóa để đảm bảo tính liên tục trong công việc, duy trì khả năng tiếp cận các quyền lợi và dịch vụ khách hàng, xử lý sự bùng nổ nhu cầu và triển khai các chế độ mới. Thông qua các hội nghị quốc tế và diễn đàn đa phương của ISSA, nhiều kinh nghiệm và giải pháp quản trị được chuyên gia của ISSA và các nước (như: Pháp, Hàn Quốc...) chia sẻ, trong đó đều nêu rõ và nhấn mạnh tầm quan trọng của của việc có một hệ thống quản trị điện tử quốc gia và áp dụng các phương pháp tiếp cận theo hướng quản lý dữ liệu, đặc biệt là dựa trên dữ liệu lớn bao gồm quản lý dân cư, đăng ký hộ tịch..., mà đây chính là nền tảng, thế mạnh mà Ngành BHXH Việt Nam đang sở hữu. Hay như mới đây, ISSA đã xây dựng và ban hành “Khung tiêu chuẩn mới về thấu hiểu hành vi” nhằm hỗ trợ các tổ chức thành viên trong việc nâng cao, hoạch định và thực hiện những dịch vụ, quyền lợi an sinh xã hội giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc và đạt tới sự hài lòng của người tham gia, nâng cao chất lượng phúc lợi xã hội.
Tham gia hoạt động NGĐP tại các tổ chức quốc tế này giúp BHXH Việt Nam tiếp cận và bổ sung cập nhật kiến thức, kinh nghiệm quốc tế nhằm hoàn thiện, phát triển hệ thống tổ chức thực hiện chính sách BHXH theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Để phát huy vai trò của NGĐP đối với sự nghiệp BHXH, đáp ứng mục tiêu hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách BHXH, trong thời gian đến theo tôi cần tiếp tục triển khai và phát huy các kết quả quan trọng đạt được tại các diễn đàn đa phương mà BHXH Việt Nam đã tham gia, thực hiện tốt các cam kết đa phương, song phương đã ký kết (như mới đây là Hiệp định về BHXH giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc), thể hiện vai trò nổi bậc trong quá trình xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN; tiếp tục đề xuất các sáng kiến, tạo dấu ấn tích cực, nâng cao vị thế của Ngành BHXH Việt Nam trong quan hệ với các nước, các tổ chức thành viên của ISSA và ASSA, hoàn thành tốt vai trò chủ nhà của các sự kiện đa phương về an sinh xã hội ở Việt Nam nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, thể hiện thực chất là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đăng cai tổ chức định kỳ hội nghị, diễn đàn về những vấn đề mà khu vực và quốc tế quan tâm mà Ngành BHXH Việt Nam có thế mạnh; chủ động xây dựng kế hoạch ứng cử và đảm nhiệm vị trí quan trọng trong các tổ chức an sinh xã hội khu vực và quốc tế khi điều kiện cho phép./.
Tài liệu tham khảo:
1. Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam (https://baohiemxahoi.gov.vn).
2. Báo Nhân dân điện tử (https://nhandan.vn).
3. Điểm tin An sinh xã hội thế giới của BHXH Việt Nam các kỳ: Tháng 7/2021, tháng 9/2021, tháng 01/2022.
Chi trả lương hưu và trợ cấp tại nhà: Tiện lợi, ...
Đại lý thu là nòng cốt phát triển BHXH tự nguyện
Chuyên mục BHXH trên kênh QRT [6-8-2024]