NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI: Bàn về nguyên nhân mất cân đối quỹ ốm đau, thai sản tại BHXH huyện Quế Sơn
30/05/2023 09:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hiện nay, việc quản lý quỹ Ốm đau, thai sản (sau đây gọi tắt là quỹ) tại BHXH huyện Quế Sơn gặp không ít khó khăn, vẫn có sự mất cân đối quỹ nhất định, số thu của quỹ ít hơn số chi. Năm 2021, quỹ phải thu vào hơn 11,4 tỷ đồng và đã chi ra gần 16,5 tỷ đồng; năm 2022, phải thu vào gần 12,1 tỷ đồng và cũng chi ra hơn 15,4 tỷ đồng để giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức cho người lao động.
Nguyễn Đoan Cường
Phạm vi bài viết xin trao đổi, phân tích một số đặc điểm có thể là nguyên nhân dẫn đến mất cân đối quỹ Ốm đau, thai sản tại BHXH huyện.
Trước hết, về chế độ ốm đau, năm 2022, BHXH huyện Quế Sơn giải quyết cho hơn 7.200 lượt người hưởng chế độ ốm đau (trong đó số người hưởng tập trung chủ yếu ở các đơn vị ngành may mặc, hơn 6.300 lượt), số tiền chi hơn 4,4 tỷ đồng, chiếm 28,6% tổng số chi từ quỹ, tăng 2,8 tỷ đồng so với năm 2021. Nguyên nhân số chi ốm đau tăng do trong năm 2022 có gần 2.000 lượt người bị Covid-19 được giải quyết hưởng ốm.
Rà soát dữ liệu cho thấy, một số trường hợp người lao động được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH với các bệnh như: cảm thường, đau đầu, đau bụng, sâu răng, viêm nướu, viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, thiếu máu, thiếu canxi, thiếu vitamin... Theo tôi, đây là những loại bệnh hết sức thông thường mà bất kể ai, khi nào vào cơ sở y tế đều có thể được khám và cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu có nhu cầu. Đông thời, các cơ sở y tế còn dễ dãi trong việc chỉ định số ngày nghỉ và cấp giấy chứng nhận nghỉ ốm cho người lao động. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động kết quả đều thực hiện tốt công tác quản lý giờ giấc làm việc, chấm công, trả lương đúng quy định, người lao động đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp luật BHXH nên cơ quan BHXH giải quyết ốm là đúng chế độ.
Đối với chế độ thai sản, đây là chế độ có vị trí quan trọng bởi nó ảnh hưởng đến bộ phận lớn người lao động trong xã hội. Chế độ thai sản hiện nay gồm có: Sinh con, khám thai, thực hiện biện pháp tránh thai, sẩy thai, nạo phá thai, thai chết lưu (với lao động nữ) và nam nghỉ việc, nam hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con (với lao động nam). Năm 2022, BHXH huyện giải quyết cho 636 lượt người (trong đó nữ là 578 lượt) hưởng chế độ thai sản, chi hơn 10,4 tỷ đồng, chiếm 67,6% tổng số chi từ quỹ.
Biểu đồ trên cho thấy số chi chế độ thai sản đối với lao động nữ năm 2022 giảm hơn so với năm 2021 nhưng vẫn là chế độ chủ đạo, chi phối đến mức độ cân đối của quỹ. Để làm sáng tỏ, phần này tập trung phân tích, đánh giá chế độ thai sản của lao động nữ với một số đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, tỷ lệ lao động nữ trong các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn huyện chiếm đa số:
BHXH huyện Quế Sơn hiện đang quản lý thu BHXH bắt buộc 257 đơn vị, với tổng số 6.539 lao động, trong đó số lao động nữ là 4.747 người (chiếm gần 72,6%). Riêng 02 đơn vị ngành may mặc lớn có 3.217 công nhân, trong đó nữ chiếm hơn 85,2%. Số chi chế độ thai sản đối với lao động nữ năm 2022 phần lớn cho 02 đơn vị này, với hơn 7,1 tỷ đồng (chiếm 68,8%).
Thứ hai, cơ cấu độ tuổi lao động nữ tham gia BHXH trong độ tuổi sinh đẻ chiếm tỷ lệ lớn.
Trong số 4.747 lao động nữ tham gia BHXH thì độ tuổi dưới 40 có 3.183 người (chiếm hơn 67%). Đây cũng chính là độ tuổi đang trong diện sinh đẻ. Theo đó, số lao động nữ hưởng chế độ thai sản ở độ tuổi này chiếm tỷ lệ lớn. Thống kê cho thấy, trong tổng số 578 lượt nữ lao động hưởng chế độ thai sản thì độ tuổi từ 20 đến 35 tuổi có 532 người (chiếm hơn 92%).
Thứ ba, lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ hưởng chế độ thai sản có thời gian đóng BHXH ngắn, mức lương làm căn cứ đóng và hưởng thấp nên số tiền đóng vào quỹ theo đó cũng thấp tương ứng.
Từ biểu đồ cho thấy lao động nữ hưởng chế độ thai sản có thời gian đóng BHXH bình quân thấp nhất là 0,9 năm và cao nhất cũng chỉ 3,22 năm.
Đồng thời, trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, chủ sử dụng lao động và người lao động không phải đóng BHXH nhưng được hưởng với mức 100%.
Thứ tư, số lao động nữ chỉ đóng BHXH từ 6-7 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con để hưởng chế độ thai sản là khách quan. Số liệu thống kê năm 2022 có 51 trường hợp, quỹ chi ra hơn 1,15 tỷ đồng, tập trung hầu hết ở đơn vị may mặc lớn, có nhiều lao động. Đây là những người trên lý thuyết có khả năng đang mang thai từ 2-3 tháng được ký hợp đồng lao động để đủ điều kiện đóng BHXH đối với khoản thời gian 06 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con. Tuy nhiên, qua kiểm tra và tìm hiểu tại đơn vị có nhiều trường hợp này thì việc tuyển dụng lao động nữ đang mang thai vào làm việc sẽ rất bất lợi cho đơn vị. Đơn vị lý giải theo Bộ Luật lao động những trường hợp này sẽ được giảm 01 giờ làm việc/ngày (tức 01 ngày chỉ làm việc 07 giờ nhưng đơn vị vẫn phải trả tiền lương đủ 08 giờ; họ không được tăng ca, không được xử lý kỷ luật... Đồng thời có quy định không phân biệt đối xử với lao động nữ mang thai, kỳ thị, phân biệt chủng tộc, tôn giáo. Chủ sử dụng lao động cũng chia sẻ thêm có thể thực hiện thử thai trước khi ký hợp đồng nhưng việc này rủi ro lớn vì sẽ bị người lao động kiện hoặc nếu khách hàng phát hiện sẽ ảnh hưởng đến chứng nhận để có được đơn hàng, nhất là đối với đơn hàng lớn từ các nhãn hàng Nike, Adidas...
Có thể nhận định đơn vị sử dụng lao động không có động lực cũng như mong muốn ký hợp đồng lao động với lao động nữ nhằm mục đích đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, kết quả kiểm tra cũng không có sự tăng lương bất thường trước khi nghỉ sinh nên không có đủ cơ sở kết luận người sử dụng lao động và người lao động có hành vi gian lận, lạm dụng.
Xâu chuỗi các đặc điểm như đã phân tích ở trên tôi cho rằng quỹ Ốm đau, thai sản mất cân đối là do nguyên nhân khách quan. Theo đó, để tăng cường quản lý quỹ cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, công tác thu, thu nợ, phát triển người tham gia phải được đôn đốc, duy trì thường xuyên. Tổ chức thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ để yêu cầu đơn vị sử dụng lao động đóng đầy đủ cho người lao động nhằm đảm bảo số thu của quỹ BHXH nói chung và quỹ Ốm đau, thai sản nói riêng.
Hai là, công tác giải quyết chế độ ốm đau, thai sản phải được thực hiện chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục hồ sơ theo quy định của pháp luật và BHXH Việt Nam. Kiên quyết từ chối giải quyết nếu phát hiện chứng từ hưởng chế độ được cấp không hợp lệ, không đúng quy định của pháp luật. Định kỳ, thống kê các đơn vị, loại chế độ có số lượt người hưởng, số tiền chi tăng bất thường để cảnh báo.
Bà là, thực hiện hậu kiểm tại đơn vị sử dụng lao động, chú trọng kiểm tra đột xuất khi thấy dấu hiệu vi phạm; tổ chức kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để yêu cầu các cơ sở y tế chấp hành đúng việc khám, chỉ định số ngày nghỉ phù hợp với tình trạng bệnh tật của người lao động, tránh để xảy ra lạm dụng.
Bốn là, đẩy mạnh công tác truyền thông đối với chủ sử dụng lao động, người lao động về các hành vi gian lận, lạm dụng chế độ ốm đau, thai sản và các chế tài xử lý của pháp luật, nhất là Điều 214 Bộ Luật hình sự.
Năm là, hoàn thiện phần mềm xét duyệt chính sách BHXH. Hiện nay, việc giải quyết chế độ ốm đau được thực hiện qua giao dịch điện tử, tuy nhiên dữ liệu điện tử của giấy chứng nhận nghỉ ốm thiếu thông tin họ tên của người có thẩm quyền/người được ủy quyền ký xác nhận nên chưa đảm bảo tính đầy đủ, vẹn toàn. Do vậy, trong quá trình giải quyết, cơ quan BHXH không thể chủ động từ chối nếu thực tế có giấy chứng nhận nghỉ ốm được ký bởi người không đủ thẩm quyền như cơ sở y tế đã đăng ký. Bổ sung chức năng tự động đối soát họ tên người hành nghề khám chữa bệnh trên giấy chứng nhận nghỉ ốm với danh mục người hành nghề trên Cổng giám định BHYT...
*Tài liệu tham khảo: Số liệu trong bài viết được thống kê từ phần mềm xét duyệt TCS và các biểu mẫu BHXH huyện Quế Sơn: C69-HD, 02A-HSB, 22B-HSB.
Chi trả lương hưu và trợ cấp tại nhà: Tiện lợi, ...
Đại lý thu là nòng cốt phát triển BHXH tự nguyện
Chuyên mục BHXH trên kênh QRT [6-8-2024]