Nghiên cứu - Trao đổi: Nhân ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng 15/10 - Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh qua tác phẩm “Dân vận” và thực tiễn công tác dân vận tại BHXH huyện Quế Sơn
14/10/2023 12:25 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác dân vận (CTDV). Người khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với thành bại của cách mạng.
Nguyễn Đoan Cường
Hồ Chí Minh đã viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Tư tưởng đó được Hồ Chí Minh thể hiện sinh động trong tác phẩm “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z.
Ngành BHXH Việt Nam trao tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân tại huyện Quế Sơn
Toàn bộ tác phẩm “Dân vận” chỉ khoảng 600 chữ, với 4 mục gọn và chặt chẽ. Tuy ngắn, song tác phẩm toát lên văn phong theo phong cách Hồ Chí Minh, nghĩa là không cầu kỳ, mà giản dị, dễ hiểu, đi thẳng vào nội dung chính nhất của chủ đề, toát lên quan điểm toàn diện, có ý nghĩa chỉ đạo cho CTDV. Trải qua 74 năm, tác phẩm này vẫn còn nguyên giá trị lý luận lẫn thực tiễn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với CTDV của Đảng và hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.
“Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, chưa làm đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Hồ Chí Minh đã mở đầu tác phẩm như vậy.
Hồ Chí Minh quan niệm dân vận: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho".
Có thể hiểu dân vận theo chiều rộng là vận động tất cả mọi người dân, không để sót một ai, nhằm tập hợp, đoàn kết lực lượng toàn dân, thực hiện những công việc chung, những công việc nên làm. Theo chiều sâu, dân vận là phải hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh cụ thể của đối tượng để có hình thức vận động phù hợp.
Bác khẳng định: “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ” mà phải bằng hành động cụ thể, thiết thực vì "nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Điều này cho thấy Bác coi trọng việc nêu gương trong CTDV.
“Trước nhất phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kì được”. Bác chỉ rõ người dân nếu hiểu được vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm của mình sẽ giúp họ hài lòng và thấy được sự đóng góp của họ là xứng đáng, tránh làm cho người dân hiểu đó chỉ là nghĩa vụ, là bắt buộc, mang nặng tính áp đặt.
Đối với cán bộ, đảng viên, việc xác định đúng vị trí của người dân sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên tôn trọng người dân và thực hiện CTDV sẽ tốt hơn.
Bác cũng yêu cầu dân vận là phải có kết quả “làm cho kỳ được” chứ không phải “Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc”. Và khi làm “đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân” để “đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương”; phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích người dân làm và sau đó phải “rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.
Vậy ai phụ trách CTDV? Chủ thể thực hiện CTDV, theo Hồ Chí Minh: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Ðoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức Nhân dân đều phải phụ trách dân vận”.
Bác chỉ rõ đối tượng để vận động là dân, Nhân dân. Dân, Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh có nội hàm rất rộng, vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa là mỗi con người Việt Nam cụ thể. Nhân dân nước Việt, đều là đối tượng để vận động, đồng thời cũng là những người làm dân vận. Như vậy, theo Bác, công việc vận động Nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn thể cán bộ, đảng viên và những người hiểu biết được công việc trong dân. Hễ là người Việt Nam yêu nước thì đều có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia làm những việc ích quốc, lợi dân. Bởi lẽ, xây dựng một xã hội của dân, vì dân thì lực lượng phải là toàn dân.
Về phẩm chất, phong cách làm việc của người cán bộ dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết thành 12 từ: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Đây cũng chính là quan điểm chống quan liêu trong CTDV.
Đặt “óc nghĩ” lên hàng đầu, Hồ Chí Minh muốn khẳng định, CTDV không chỉ là những thao tác theo công thức có sẵn mà bản thân CTDV là một khoa học - khoa học về con người, một nghệ thuật - nghệ thuật tiếp cận và vận động con người. Vì vậy, phải dày công tìm tòi suy nghĩ để phân tích chính xác tình hình, vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để áp dụng vào thực tiễn vận động nhân dân có hiệu quả. Muốn vậy, hoạt động dân vận phải coi trọng khả năng tuyên truyền, giáo dục, thu phục, thuyết phục quần chúng; khả năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của Nhân dân để tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước xây dựng, ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách hợp lòng dân, đồng thời kịp thời ngăn chặn mặt tiêu cực phát sinh trong quần chúng nhân dân.
“Mắt trông, tai nghe, chân đi” là yêu cầu người làm CTDV cần sát cơ sở, sát thực tế, đến gần với Nhân dân để lắng nghe và hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; biết loại trừ những thông tin thiếu chân thực, không khách quan, không đúng sự thật để giúp dân giải quyết các công việc cụ thể, đề xuất hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Đồng thời, thực hiện CTDV tuyệt đối không được quan liêu, hành chính, nặng về làm việc theo kiểu giấy tờ, chỉ ngồi nghe báo cáo rồi nhận định, phán xét chủ quan... dẫn tới tô vẽ, thổi phồng thành tích; nghe dân nói, nhưng không theo đuôi quần chúng mà phải biểu thị được thái độ vừa cầu thị vừa định hướng, dẫn dắt, vận động Nhân dân.
“Miệng nói, tay làm” là phong cách quan trọng nhất hiện nay của người làm CTDV. Vì vậy, “phải thật thà nhúng tay vào việc”, không được nói một đằng, làm một nẻo, miệng thì vận động người khác nhưng mình thì không làm hoặc làm ngược lại. Đối lập với tác phong “miệng nói, tay làm” là lối “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”, tức là nói mà không làm và nếu có làm thì chỉ làm theo lối quan liêu. Theo Bác: “Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn”. Bác còn chỉ ra rằng, người làm dân vận phải thật sự “nhúng” tay vào việc, tức là làm việc một cách thật sự, phải cùng lao động, cùng chiến đấu, lăn vào cuộc sống hằng ngày của Nhân dân, coi trọng hiệu quả công việc, lấy hiệu quả của công việc làm thước đo, mục đích của CTDV. Nếu “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” thì làm sao hiểu được dân, làm sao “vận” được dân.
Đồng thời, Bác cũng lưu ý những điều cần tránh. Đó là tránh mắc khuyết điểm “xem khinh” CTDV. Vì có tư tưởng không coi trọng CTDV nên “thường cử những cán bộ kém” phụ trách CTDV. Tránh căn bệnh khoán trắng CTDV cho một Ban hoặc một vài người. Khi đã khoán trắng thì “vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận”. Bác khẳng định: “Đó là sai lầm rất to, rất có hại”.
Kế thừa giá trị lý luận của tác phẩm “Dân vận”, các chủ trương, đường lối của Đảng luôn đặt vai trò của Nhân dân lên hàng đầu, thể hiện qua: Đại hội XII xác định bản chất “Nhân dân làm chủ”, “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Đại hội XIII của Đảng, với quan điểm mở rộng dân chủ, Đảng ta đã bổ sung phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính Nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với Nhân dân...”. Từ đó thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với quần chúng nhân dân luôn được đề cao, vì Nhà nước này là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhân dân phải là đối tượng được chú trọng, quan tâm hàng đầu, có như vậy mới phát huy được hết sức mạnh của quần chúng nhân dân trong mọi thời đại.
Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã đề ra 10 nhiệm vụ quan trọng trong đó có: “Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả CTDV của các cơ quan của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Chú trọng CTDV đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách về CTDV...”.
Về giá trị thực tiễn, trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều vấn đề mới đặt ra tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Mặt trái của cơ chế thị trường đã dẫn tới sự bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo, đời sống vật chất của Nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Một số cơ chế, chính sách còn bất cập, triển khai thiếu hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu; tác phong, phương pháp làm việc còn hạn chế, gây phiền hà, cửa quyền, sách nhiễu Nhân dân... đã làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, là thách thức đối với mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng.
Thực tiễn đó đòi hỏi Đảng ta phải tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo đối với CTDV, củng cố vững chắc hơn nữa niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với Nhân dân cũng như khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm vừa qua, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với CTDV trong tình hình mới; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới CTDV trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 21/5/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về nâng cao chất lượng CTDV của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh trong tình hình hiện nay, Chị bộ BHXH huyện Quế Sơn đã phối hợp với Ban Giám đốc BHXH huyện, BCH Công đoàn cơ sở lãnh chỉ đạo toàn thể cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động tại đơn vị nâng cao nhận thức, xác định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và mỗi cá nhân, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với CTDV. Thành quả CTDV tại BHXH huyện biểu hiện qua những mặt tích cực sau:
Công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN hằng năm, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát gây nhiều khó khăn, vẫn luôn đảm bảo chỉ tiêu về số người, số tiền do cấp trên giao. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2022, toàn viên chức, người lao động đã nâng cao tinh thần phục vụ, làm việc hăng say để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết của Chính phủ. Qua đó, đảm bảo tất cả người lao động và chủ doanh nghiệp đủ điều kiện đều được nhận hỗ trợ, thụ hưởng chính sách kịp thời trong tình hình dịch bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Tham mưu UBND huyện thực hiện chủ trương, chính sách, thực thi công vụ đạt hiệu quả cao; đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan của huyện, UBND các xã, thị trấn cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, nhất là tạo sự tạo thuận lợi cho người lao động, người dân khi tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH, BHYT, từ đó củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chính sách an sinh xã hội tại địa phương.
Hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính được BHXH huyện đẩy mạnh thường xuyên. Thủ tục tham gia và thụ hưởng các chế độ được các bộ phận quan tâm rà soát và thực hiện nghiêm túc theo quy định của BHXH Việt Nam, không yêu cầu thêm giấy tờ ngoài quy định, không gây rườm rà, phiền hà, để cho người dân, người tham gia, người thụ hưởng phải chờ đợi lâu (như giải quyết ngay một số trường hợp, giải quyết sớm để rút ngắn thời hạn hầu hết hồ sơ hưởng các chế độ đảm bảo điều kiện, tư vấn, hướng dẫn đăng ký tài khoản nhận BHXH một lần ngay tại bộ phận một cửa... phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị); thực hiện nghiêm quy định về ứng xử của viên chức Ngành BHXH Việt Nam, thường xuyên nâng cao thái độ, tác phong phục vụ; duy trì làm việc vào sáng thứ 7 hàng tuần để tiếp nhận hồ sơ khi người dân, người lao động có nhu cầu...
Để tăng cường sự minh bạch, BHXH huyện thực hiện công khai toàn bộ các quy định, quyết định, quy trình và thủ tục hồ sơ thuộc phạm vi giải quyết của Ngành BHXH để doanh nghiệp và người dân được rõ; công khai lịch làm việc hằng tuần của lãnh đạo BHXH huyện tại bộ phận Một cửa; công tác tiếp công dân được đặt biệt coi trọng, bố trí cán bộ đủ năng lực, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm việc tiếp dân và một lãnh đạo phụ trách, không để xảy ra khiếu nại, tố cáo.
Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; vận động toàn thể đảng viên, viên chức, người lao động thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị; hăng hái thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, hội tại địa phương phát động, các phong trào thi đua do BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh phát động như phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số, cập nhật dữ liệu dân cư quốc gia, dữ liệu căn cước công dân để người dân tiện lợi khi đi khám chữa bệnh; triển khai các mô hình CTDV và hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại địa phương; tham gia Hội thi tuyên truyền viên giỏi của BHXH tỉnh, qua đó phát hiện, bồi dưỡng cán bộ tuyên truyền viên để bổ sung vào lực lượng cán bộ dân vận tại BHXH huyện.
Trong các hoạt động nâng cao hình ảnh “trụ cột an sinh xã hội”, BHXH huyện tích cực tham gia ủng hộ các quỹ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh Covid-19, quỹ đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ xã nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa; tổ chức các hoạt động tình nguyện, về nguồn, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho người dân. Mới đây nhất cán bộ, đảng viên, người lao động tại BHXH huyện đã tham gia quyên góp đợt phát động tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Quế Sơn do BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh phát động...
Có thể khẳng định, với nhận thức quan điểm chỉ đạo xuyên suốt “lấy dân làm gốc”, “phát huy dân chủ”, CTDV tại BHXH huyện Quế Sơn thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, đáng khích lệ, nhận thức về CTDV của cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động tại đơn vị được nâng lên một bước, nhất là tinh thần trách nhiệm, vai trò nêu gương của đội ngũ đảng viên, người đứng đầu cơ quan. Tuy nhiên, CTDV tại BHXH huyện vẫn còn một số hạn chế nhất định do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, cụ thể:
Thứ nhất, CTDV được Chi bộ, lãnh đạo BHXH huyện luôn coi trọng, thường xuyên quan tâm chỉ đạo, nhưng nhận thức về “dân vận khéo” của viên chức, người lao động còn chưa đồng đều, chưa sâu sắc, đầy đủ. Việc thực hiện các mô hình dân vận thường hưởng ứng theo chỉ đạo của cấp trên hoặc địa phương.
Thứ hai, là cơ quan trực thuộc BHXH tỉnh có chức năng tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn huyện, hoạt động tuân theo sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh nên một số khó khăn, vướng mắc cần chờ sự hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên hoặc cơ quan Bộ, ngành Trung ương dẫn đến quyền lợi của người dân, người lao động phần nào chưa được đáp ứng kịp thời.
Thứ ba, sự hài lòng của người dân, người lao động còn bị chi phối bởi cơ quan, đơn vị quản lý họ, quyền lợi của người thụ hưởng sẽ chưa được đáp ứng nếu những cơ quan, đơn vị này thực hiện chưa tốt. Chẳng hạn như đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN thì người lao động chưa được chốt sổ, chưa có thẻ BHYT để khám chữa bệnh, chưa được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp, BHXH một lần...
Thứ tư, sự vào cuộc của Sở Y tế trong việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế có lúc còn chậm nên quyền lợi của người dân trong khám chữa bệnh chưa được đảm bảo, dẫn đến hệ quả là công tác phát triển người tham gia BHYT bị ảnh hưởng.
Từ những kết quả đạt được và một số hạn chế nêu trên, để phát huy CTDV trong thực tiễn tại BHXH huyện theo tôi cần thực hiện mấy vấn đề sau:
Một là, việc tiếp tục duy trì tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng, Chỉ thị của Chính phủ, Tỉnh ủy về CTDV để đẩy mạnh nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của CTDV cho toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động trong đơn vị là nhiệm vụ quan trọng. Từ đó, tạo ra tư duy, hành động đúng đắn và có nhìn nhận sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về CTDV.
Hai là, thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động dân vận, lấy tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chính. Đẩy mạnh các phong trào thi đua do BHXH tỉnh phát động, hằng năm xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm với nội dung gọn, không dàn trải, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Từ đó, có cơ sở đôn đốc, thúc đẩy, tiến tới đáp ứng tiến độ, chất lượng công việc, góp phần phục vụ người dân, người lao động và doanh nghiệp trên địa bàn tốt hơn.
Ba là, giữ vững trật tự kỷ cương, đạo đức công vụ và văn hóa công sở, cũng như tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp; đồng thời xử lý cá nhân gây sách nhiễu, phiền hà cho Nhân dân hoặc có tinh thần, thái độ phục vụ chưa tốt; quyết tâm xây dựng hình ảnh viên chức, người lao động BHXH huyện Quế Sơn “thân thiện, trách nhiệm” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, từ đó tạo niềm tin yêu của Nhân dân đối với Ngành BHXH.
Bốn là, tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân, công tác cải cách hành chính, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để giải quyết nhanh, đúng, đủ các chính sách về BHXH, BHYT trên cơ sở đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.
Năm là, đưa nội dung CTDV vào chương trình, kế hoạch kiểm tra giám sát hằng năm tại Chi bộ để kiểm tra, giám sát đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ CTDV, thực hiện dân chủ trong hoạt động tại BHXH huyện.
Sáu là, nghiên cứu xây dựng mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong CTDV như: mô hình về vận động Nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đối với các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn huyện...
* Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6: NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr. 232-234
2. Hệ thông Tư liệu - Văn kiện Đảng: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn
3. Trang TTĐT Trường Chính trị tỉnh Bình Phước: https://truongchinhtri.edu.vn
4. Trang TTĐT Học viện Chính trị Công an nhân dân: http://hvctcand.edu.vn
Chi trả lương hưu và trợ cấp tại nhà: Tiện lợi, ...
Đại lý thu là nòng cốt phát triển BHXH tự nguyện
Chuyên mục BHXH trên kênh QRT [6-8-2024]