NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI: Tiếp tục đổi mới truyền thông để đẩy mạnh công tác BHYT theo Chỉ thị 38-CT/TW của Ban Bí thư

06/05/2024 04:05 PM


 

Đỗ Thị Bích Hoa

Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới” (Gọi tắt là Chỉ thị số 38-CT/TW) ra đời trong bối cảnh tỷ lệ dân số tham gia BHYT chưa chiếm đa số trong nhân dân (khoảng 46%), người tham gia BHYT tự nguyện thường là những người có bệnh mãn tính và có nguy cơ mắc bệnh cao; mức đóng BHYT chưa tương xứng với mức độ gia tăng của chi phí khám bệnh, chữa bệnh cùng với việc lạm dụng thuốc, lạm dụng kỹ thuật cao dẫn đến quỹ BHYT mất khả năng cân đối thu, chi. Nguyên nhân được xác định là do cấp ủy Đảng và chính quyền ở một số đơn vị, địa phương và một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức đầy đủ vị trí và tầm quan trọng của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; chính sách của BHYT chưa bắt kịp với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự thay đổi cơ cấu mô hình bệnh tật; công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động thực hiện chính sách BHYT chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao;… Quảng Nam cũng nằm trong tình hình chung của cả nước, năm 2009 số người tham gia BHYT cũng chỉ 779.358 người, chiếm khoảng 54% tỷ lệ dân số.

Một số hình thức truyền thông của BHXH tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua

Triển khai Chỉ thị số 38-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo quán triệt, nghiên cứu và cụ thể hóa thành những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể thông qua các nghị quyết, chỉ thị tạo hành lang pháp lý để các cấp, các ngành triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác BHYT. Từ đó, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn đến thực hiện chính sách BHYT, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cải thiện và đáp ứng ngày càng tốt hơn. Trong đó, truyền thông có vai trò quan trọng, là giải pháp đi đầu trong tổ chức thực hiện.

Những năm gần đây, công tác truyền thông đã được BHXH tỉnh Quảng Nam chú trọng đổi mới, đưa chính sách BHXH, BHYT đến gần hơn với người dân, người lao động tự do ở cơ sở theo tinh thần Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ, mở rộng phát triển người tham gia, quản lý Quỹ BHYT, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn.

Trên cơ sở Nghị quyết số 96/NQ-BCS ngày 24/8/2017 của Ban cán sự Đảng BHXH Việt Nam về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới, quá trình thực hiện, BHXH tỉnh đã ký kết nhiều Chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể: Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đẩy mạnh công tác thông tin, mở lớp tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên các cấp tuyên truyền Chỉ thị số 38-CT/TW và chính sách, pháp luật về BHYT thường xuyên, sâu rộng, kịp thời, hiệu quả bằng các hình thức phong phú, đa dạng; phối hợp với nhiều cơ quan truyền thông và báo đài Trung ương, khu vực và địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chuyên trang, chuyên mục về BHYT trên Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh đã trở thành kênh thông tin hữu ích cho người dân tìm hiểu về chính sách BHYT, góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền.

Hằng năm, BHXH tỉnh đã phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Cuộc thi ”Sáng tạo tác phẩm báo chí tuyên truyền về BHXH, BHYT” cùng với Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng của tỉnh. Đây là ”sân chơi” cho những nhà báo chuyên và không chuyên, là kênh tuyên truyền rất hiệu quả, nhiều tác phẩm hay, câu chuyện thực tế của chính người tham gia, thụ hưởng chính sách lan tỏa tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, đã phát huy sức mạnh truyền thông báo chí để tuyên truyền, mở rộng phát triển người tham gia.

Song song với các hình thức truyền thống như tuyên truyền thông qua Báo, Đài, tờ rơi, tờ gấp, tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đối thoại, tư vấn ... Quảng Nam đã thay đổi hình thức tuyên truyền để phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng truyền thông hiện đại. Nhiều hình thức và nội dung tuyên truyền được triển khai như:

- ”Nhạc chờ” trên điện thoại di động: Đây là hình thức tuyên truyền khá hiệu quả được các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh lựa chọn. Nhạc chờ về BHXH tự nguyện, BHYT của BHXH tỉnh Quảng Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam xác nhận bản quyền và được nhiều công chức, viên chức, người lao động BHXH các địa phương khác cũng như đơn vị tổ chức dịch vụ thu đang sử dụng để tuyên truyền.

- ”Bài chòi về BHXH tự nguyện, BHYT”: Là hình thức sân khấu hóa nội dung chính sách BHXH, BHYT thông qua nghệ thuật dân gian “Bài chòi”, là loại hình thức nghệ thuật dân ca đặc trưng ở miền Trung Việt Nam, được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sản phẩm truyền thông này vừa tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở, vừa được tuyên truyền qua sóng truyền hình, phát thanh.

- Tuyên truyền chính sách BHYT trên các phương tiện giao thông công cộng đang lưu hành trên địa bàn: Xuất phát từ việc xác định đối tượng cần được tuyên truyền, việc lựa chọn tham gia giao thông của người dân và tận dụng thời gian trên xe để người dân tiếp cận với những thông tin tuyên truyền.

- Lồng ghép tuyên truyền qua các buổi chiếu phim lưu động của ngành Văn hóa; tuyên truyền qua loa phát thanh tại các địa điểm công cộng: Là hình thức đưa thông tin tuyên truyền trực tiếp với người dân, nhất là vùng sâu vùng xa.

- Kết nối truyền thông với các cơ sở KCB để cung cấp thông tin, phối hợp tuyên truyền những chủ trương chính sách về BHYT; phối hợp với các cơ sở y tế tuyên truyền Điều 215 của Bộ Luật Hình sự về tội gian lận BHYT; ...

- Tuyên truyền chính sách BHYT qua các sản phẩm truyền thông hiện đại trên Báo điện tử, mạng xã hội, tin nhắn thương hiệu,... Website BHXH tỉnh với hơn 2 triệu lượt người truy cập; Fanpage BHXH tỉnh là đơn vị cấp tỉnh đầu tiên của ngành BHXH được xác nhận tick xanh chính chủ, góp phần tăng thêm sự tin tưởng của người dân trong công tác tuyên truyền.

Chính nhờ vậy mà công tác mở rộng, phát triển tham gia BHYT của Quảng Nam những năm gần đây đạt được kết quả khá cao. Từ chỗ năm 2014 số người tham gia BHYT là 1.138.763 người, chiếm tỷ lệ 78,01% dân số toàn tỉnh; năm 2019 là 1.415.863 người, chiếm tỷ lệ 94,55% dân số toàn tỉnh; và cuối năm 2023 là 1.477.179 người, chiếm tỷ lệ 96,8% dân số toàn tỉnh (bình quân chung cả nước trên 93%). Tỷ lệ dân số tham gia BHYT năm 2024 đã vượt tỷ lệ đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TU, ngày 08/12/2023 của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 (96,2%). Như vậy, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW, số người tham gia BHYT tăng 697.821 người; trong đó, số người tham gia BHYT theo hộ gia đình tăng lên đáng kể với 528.719 người tham gia mới tính đến cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, Đảng ủy BHXH tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/ĐU ngày 31/01/2020 về đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm phát huy vai trò mỗi công chức, viên chức, người lao động là một tuyên truyền viên về BHXH, BHYT; Nghị quyết số 70-NQ/ĐU ngày 07/9/2021 về nâng cao trách nhiệm của tổ chức Đảng và Đảng viên trong công tác quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT. Thông qua việc phân công các phòng nghiệp vụ, BHXH cấp huyện giám sát thẻ BHYT tại các cơ sở KCB nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm trong việc chấp hành pháp luật về BHYT, yêu cầu các cơ sở KCB nghiêm túc thực hiện đối chiếu thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ, phát hiện kịp thời trường hợp mượn thẻ trong KCB BHYT.

Cùng với nhiều giải pháp khác, đổi mới công tác truyền thông chính sách BHYT góp phần giúp BHXH tỉnh Quảng Nam vài năm trở lại đây đã dần kiểm soát được Quỹ BHYT, đảm bảo dự toán Chính phủ giao.

Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đã đạt được về thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, dự báo tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường tác động đến việc thực hiện các chính sách BHXH, BHYT. Một số khó khăn, thách thức phải đối diện đã, đang và sẽ tác động nhất định đến việc thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.

Do vậy, BHXH tỉnh cần tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT theo tinh thần Chị thị 38-CT/TW với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó xác định truyền thông đóng vai trò quan trọng; đẩy mạnh thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, đặc biệt là phấn đấu đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT theo Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022 – 2025; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, hoàn thiện hạ tầng cơ sở dữ liệu về BHYT; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính về BHYT nhanh gọn, công khai, minh bạch, đúng quy định; tăng tỷ lệ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT; tham mưu giao chỉ tiêu thực hiện BHYT cho các địa phương gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BHYT và quản lý tốt Quỹ BHYT.

Để sớm đạt được mục tiêu BHYT toàn dân nói chung, và công tác truyền thông nói riêng đạt hiệu quả cao hơn, đề nghị cần thực hiện một số nội dung như sau:

Thứ nhất, đề nghị Ban Cán sự  Đảng BHXH Việt Nam đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng xây dựng và ban hành Chỉ thị mới về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHYT đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu khám chữa bệnh BHYT của người dân trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, đề xuất Chính phủ nâng mức hỗ trợ tham gia BHYT cho nhóm hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên, vì hiện nay mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho các nhóm này tham gia BHYT là 30%, thấp hơn so nhóm tham gia BHYT hộ gia đình có nhiều nhân khẩu (người thứ nhất đóng 100%; người thứ hai đến người thứ tư lần lượt đóng bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất).

Thứ ba, đẩy mạnh truyền thông nâng cao hơn nữa nhận thức về thực hiện chính sách BHYT trong hệ thống chính trị, nhất là các vị trí công tác chuyển giao sau đảng cử, dân cử tại địa phương.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới, nghiên cứu thêm các mô hình truyền thông chính sách BHYT phù hợp với xu hướng thời đại, tác động sâu rộng đến người dân: Nhạc chờ, tin nhắn Zalo tuyên truyền BHXH, BHYT; lô tô tuyên truyền BHXH, BHYT; …

Tóm lại, Chỉ thị số 38-CT/TW về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới đã được cụ thể hóa trong thực tế đời sống nhân dân, đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực. Trong tất cả các giải pháp mà BHXH tỉnh đã thực hiện, công tác truyền thông có vai trò quan trọng, cần tiếp tục đổi mới để lan tỏa ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ hơn chính sách BHYT – một chính sách mang đầy nhân văn của Đảng và Nhà nước, từ nâng cao nhận thức dẫn đến thay đổi hành động trong các cấp, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân, góp phần vào kết quả chung thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW trên địa bàn Quảng Nam./.

  • TIN BÀI LIÊN QUAN