Nghiên cứu trao đổi: Tác động, hiệu quả của thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

26/12/2024 03:35 PM


(Đỗ Thị Bích Hoa - Trưởng phòng Truyền thông)

Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người chính là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Đây là chủ trương nhất quán của Đảng ta được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ; được cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội có nội hàm rất rộng, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được coi là trụ cột chính của chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

UBND tỉnh chỉ đạo về công tác BHXH, BHTN, BHYT

Để thực thi quan điểm chỉ đạo của Đảng, duy trì ổn định kinh tế - xã hội, Việt Nam đã ban hành hệ thống pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT và không ngừng cải cách, điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Năm 1994, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua đã có quy định về việc hình thành quỹ BHXH tập trung, độc lập với ngân sách, tự hạch toán. Luật BHXH, BHYT ra đời là hành lang pháp lý quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách BHXH, BHYT. Cho đến nay đã sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT đến khu vực lao động phi chính thức; tăng quyền lợi; dần hoàn thiện BHXH đa tầng; BHYT toàn dân và hội nhập quốc tế.

Căn cứ các Nghị quyết của Đảng về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong từng giai đoạn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, chỉ thị, nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo chính sách BHXH, BHTN, BHYT; đặt ra các mục tiêu cụ thể về BHXH, BHTN, BHYT từng giai đoạn và lãnh đạo tổ chức thực hiện phấn đấu đạt mục tiêu. Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng dưới sự lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và BHXH Việt Nam, Quảng Nam từng bước khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu triển khai tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả, nhất là 10 năm trở lại đây.

Tổng số thu và chi quỹ năm 2023 là hơn 10.363 tỷ đồng, trong đó thu  BHXH, BHYT, BHTN là 5.190 tỷ đồng và chi các chế độ BHXH (chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ, hưu trí, tử tuất và BHTN) và KCB BHYT là 5.173 tỷ đồng. BHXH tỉnh đã giải quyết và chi trả đúng quy định, kịp thời cho người thụ hưởng. Năm 2023, số người hưởng các chế độ BHXH là 77.172 người. Trong đó, hưởng chế độ hưu trí là gần 31.200 người, tăng hơn 12.100 người so với năm 2013; bình quân số tiền chi trả lương hưu mỗi tháng khoảng 172 tỷ đồng, tăng khoảng 72% so với năm 2013. Tổng số tiền chi trả khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT năm 2023 là trên 1.718 tỷ đồng, với gần 3.500.000 lượt khám, chữa bệnh. Trong khi đó, năm 2013 là hơn 2.886.000 lượt khám, chữa bệnh, số tiền là 613 tỷ đồng.

Số lao động tham gia BHXH, BHTN tính đến 31/12/2023 trên 227.000 người, so với năm 2013 tăng gần 105.000 người. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng gần 82.600 người; số người tham gia BHXH tự nguyện tăng gần 22.400 người. Độ bao phủ người dân tham gia BHYT năm 2023 trên 96% (năm 2013 là 78%), trong khi bình quân chung cả nước khoảng 93%.

Từ hiệu quả thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh nêu trên, có thể thấy có sự tác động rất lớn đến mọi mặt trong đời sống xã hội:

1. Tác động về xã hội: Trước hết chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động và người dân trong trường hợp gặp rủi ro mất việc làm, bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già…. BHXH, BHYT mang lại sự yên tâm cho người lao động về tương lai, đặc biệt khi nghỉ hưu hoặc trong trường hợp không còn khả năng lao động; giảm nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói do các biến cố như mất việc làm, bệnh tật hoặc tai nạn. Những khoản trợ cấp thất nghiệp kịp thời giúp giảm áp lực kinh tế và ổn định cuộc sống của người tham gia. Việc đảm bảo quyền lợi về chăm sóc sức khỏe thông qua BHYT giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng hơn, từ đó nâng cao sức khỏe và tuổi thọ.

Khi các chính sách BHXH, BHTN và BHYT được thực thi hiệu quả, người dân cảm nhận được sự quan tâm của Nhà nước đối với quyền lợi của mình. Điều này củng cố niềm tin vào xã hội, góp phần quan trọng trong việc xây dựng một xã hội phát triển bền vững, đảm bảo sự ổn định và công bằng cho mọi tầng lớp Nhân dân.

2. Tác động về chính trị: Thông qua hệ thống ASXH, cuộc sống của mỗi thành viên trong cộng đồng được bảo vệ và bao bọc bởi mạng lưới an toàn. Từ đó điều tiết tốt hơn và hạn chế các nguyên nhân nảy sinh mâu thuẫn và những bất ổn trong xã hội. Việc đảm bảo quyền lợi của người lao động và người dân giúp giảm áp lực về kinh tế và xã hội, từ đó duy trì môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế và chính trị; tăng cường niềm tin vào Nhà nước và hệ thống pháp luật. Điều này tạo nên sự gắn bó giữa Nhà nước và nhân dân, góp phần xây dựng một hệ thống chính trị vững mạnh. Việc ban hành và thực thi các chính sách BHXH, BHTN và BHYT thể hiện cam kết của Nhà nước đối với ASXH. Đây là minh chứng cụ thể cho các giá trị cốt lõi của một nhà nước pháp quyền, dân chủ và vì dân, tạo nên sự đồng thuận về nhận thức chính trị trong xã hội.

3. Tác động về kinh tế: Chính sách BHXH, BHTN và BHYT được xem là công cụ để phân phối lại thu nhập giữa các thành viên trong xã hội, giữa người khỏe mạnh với người không may bị đau ốm, tai nạn; giữa các nhóm dân cư; phân phối lại giữa người giàu với người nghèo; giảm khoảng cách giàu nghèo; các khoản trợ cấp từ BHXH và BHTN giúp người dân duy trì mức sống cơ bản trong những giai đoạn khó khăn. Điều này thúc đẩy tiêu dùng ổn định, góp phần duy trì sự phát triển của thị trường nội địa và kích thích tăng trưởng kinh tế; duy trì năng suất lao động và khả năng đóng góp vào nền kinh tế. BHTN hỗ trợ người lao động, giúp họ tái hòa nhập vào thị trường lao động nhanh hơn, giảm thiểu sự lãng phí nguồn nhân lực.

Doanh nghiệp cũng được hưởng lợi gián tiếp nhờ sức khỏe của người lao động được đảm bảo, giảm thiểu chi phí phát sinh từ nghỉ việc, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp và một hệ thống an sinh xã hội vững mạnh là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Các chính sách bảo vệ lao động hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp quốc tế cân nhắc khi lựa chọn đầu tư vào một quốc gia.

4. Tác động về văn hóa: Chính sách BHXH, BHTN, BHYT còn thể hiện tinh thần tương trợ và chia sẻ rủi ro giữa các cá nhân, gia đình và cộng đồng. Từ đó gắn kết các thành viên trong gia đình, củng cố truyền thống hỗ trợ lẫn nhau - một giá trị văn hóa lâu đời của người Việt. Người dân dần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc tham gia BHXH, BHYT. BHXH và BHTN đảm bảo mọi người lao động đều được ghi nhận và đền đáp xứng đáng với sự cống hiến của mình. Điều này củng cố giá trị văn hóa coi trọng lao động. Hơn nữa, tham gia BHXH, BHTN, BHYT không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ được quy định bởi pháp luật. Việc tuân thủ các quy định về bảo hiểm góp phần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật và xây dựng một văn hóa pháp lý vững mạnh trong xã hội.

5. Tác động về xây dựng nông thôn mới: Chính sách BHXH, BHYT còn góp phần xây dựng cộng đồng nông thôn có sức khỏe tốt, ổn định kinh tế xã hội góp phần đáp ứng tiêu chí thu nhập và an sinh trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT đảm bảo an ninh kinh tế và xã hội, giảm thiểu rủi ro nghèo đói tái phát khi người dân gặp phải khó khăn bất ngờ. Điều này thúc đẩy mục tiêu phát triển, giảm chênh lệch xã hội, góp phần thoát nghèo bền vững, tạo nên hệ thống chính trị - xã hội nông thôn vững mạnh, một trong những yếu tố cốt lõi của chương trình nông thôn mới.

Như vậy, có thể khẳng định chính sách BHXH, BHTN BHYT vừa là nhân tố ổn định, vừa là nhân tố động lực cho sự phát triển; tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần giữ vững ổn định về chính trị, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hệ thống chính sách BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần tập trung vào việc tăng cường tính bền vững, công bằng, minh bạch và hiệu quả. Xin có một số giải pháp và đề xuất chính sách trong giai đoạn tiếp theo như sau:

- Đối với Quốc hội, Chính phủ: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý theo hướng sửa đổi, bổ sung việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, quan tâm đến lao động phi chính thức, nông dân và người làm nghề tự do nhằm tăng độ bao phủ người tham gia và hưởng thụ chính sách BHXH, BHYT.

- Đối với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT. Tăng thêm hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ khác từ ngân sách tỉnh so với mức hỗ trợ hiện có.

- Đối với UBND tỉnh: Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân về BHXH, BHTN BHYT; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH hoặc lạm dụng quỹ BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia BHYT…

- Đối với hệ thống cơ quan BHXH: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý dữ liệu, để việc tham gia và thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thuận tiện và minh bạch.

Tóm lại, với tác động, hiệu quả của thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT như nội dung đã phân tích nêu trên, để phát triển kinh tế, duy trì ổn định chính trị, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội cần phải tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong hệ thống chính sách an sinh hiện nay của Đảng và Nhà nước ta, thực hiện mục tiêu chỉ đạo cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII “Chính sách xã hội phải hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững; an sinh xã hội phải được chú trọng hơn nữa và bảo đảm sự linh hoạt, thích ứng với các tình huống xấu xảy ra trên diện rộng (như dịch Covid-19), bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tài liệu tham khảo:

- Luật BHXH năm 2014

- Bài viết “Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình mới” trên Tạp chí Cộng sản số 1.047 (10/2024) của GS, TS Hoàng Bá Thịnh, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

- Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021, của Chính phủ “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”.

- Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24-9-2021, của Chính phủ “Về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”.

- Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, ngày 28-3-2022 “Quy định về việc thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động” vượt qua khó khăn trong đại dịch.

  • TIN BÀI LIÊN QUAN